TP HCM kiến nghị Thủ tướng sớm triển khai và hoàn thành cao tốc Mộc Bài, Vành đai 3, 4 để giảm ùn tắc, tăng kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đây là một trong những nội dung được Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đề xuất với đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu làm việc với thành phố, sáng 13/5.
Theo ông Phong, dự án cao tốc TP HCM – Mộc Bài dài 53 km, tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng (sau tổng vốn dự kiến 13.600 tỷ đồng) đã được Thủ tướng giao UBND thành phố thực hiện. Tuy nhiên, do quy định về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thay đổi nên phải làm lại trình tự, thủ tục; đồng thời chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng, cần cập nhật lại.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, sau khi thành phố báo cáo tiền khả thi, ông Phong đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, trình Chính phủ phê duyệt để triển khai và đề xuất Trung ương hỗ trợ 100% vốn ngân sách bồi thường, giải phóng mặt bằng ở thành phố.
Dự án đường Vành đai 3 dài hơn 98 km đi qua các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An đã được Thủ tướng phê duyệt cách đây 10 năm. Hiện, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án thành phần 1A (tỉnh lộ 25B – cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây), 1B (cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây – xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức). Dự án thành phần 2A, 2B, đoạn 3, đoạn 4 đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng dự án 1A vượt so với cam kết trước đây của thành phố khoảng 1.800 tỷ đồng (thành phố cam kết ứng 3.000 tỷ đồng). Do nguồn vốn thành phố gặp nhiều khó khăn, ông Phong mong muốn Thủ tướng cho bố trí vốn Trung ương đối với chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên của dự án 1A.
Đối với dự án thành phần 1B, lãnh đạo thành phố đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải sớm chọn nhà đầu tư, triển khai khởi công trong quý 3 năm nay theo kế hoạch. “Do Vành đai 3 là tuyến huyết mạch, cấp thiết kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là điểm đầu của cao tốc TP HCM – Mộc Bài, TP HCM – Chơn Thành, thành phố kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo triển khai các đoạn còn lại trong giai đoạn 2021-2025”, ông Phong nói.
Với đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đơn vị liên quan có cơ chế hỗ trợ một phần vốn Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này theo chỉ đạo của Thủ tướng ngày 21/8/2020.
Dự án đường Vành đai 4 được Thủ tướng duyệt vào 4/2013 với chiều dài khoảng 198 km, đi qua các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, tổng mức đầu tư dự kiến 100.000 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc TP HCM – Mộc Bài được quy hoạch từ lâu, về nguyên tắc sẽ do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư nhưng có một số lý do nên dự án vẫn chưa thể triển khai. Thời gian gần đây giao thương với Campuchia tăng rất nhanh, quốc lộ 22 nối TP HCM với Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài, đang quá tải.
Do đó, TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng cho thẩm quyền tổ chức triển khai dự án (chủ đầu tư), phối hợp Tây Ninh bỏ tiền giải phóng mặt bằng. Khi có đất sạch, thành phố sẽ đấu thầu chọn nhà đầu tư theo hình thức BOT (kinh doanh – xây dựng – chuyển giao) để tuyến đường sớm hoàn thành.
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài dài 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (huyện Hóc Môn, TP HCM) đi song song đường sắt Tân Chánh Hiệp – Trảng Bàng (Tây Ninh). Đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua quốc lộ 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía quốc lộ 22 kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Công trình được đề xuất đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được chia thành hai phần: TP HCM – Trảng Bàng (dài 33 km, có quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h) và Trảng Bàng – Mộc Bài (dài 20,5 km, 4 làn xe, tốc độ 80 km/h). Tổng mức đầu tư gần 10.700 tỷ đồng. Ở giai đoạn hai sẽ làm 6-8 làn xe.
Hồi tháng 9, UBND TP HCM và tỉnh Tây Ninh cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho TP HCM có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng Tây Ninh.
Hai địa phương cũng đề xuất tự lo kinh phí bồi thường (phía TP HCM khoảng 2.000 tỷ đồng, Tây Ninh 1.000 tỷ); phần kinh phí xây lắp, đầu tư còn lại gần 8.000 tỷ kiến nghị Chính phủ cho đấu thầu hoặc chỉ định thầu.
Cao tốc TP HCM – Mộc Bài được xây dựng nhằm rút ngắn hành trình từ Sài Gòn đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, phá thế độc đạo của quốc lộ 22, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, đặc biệt là Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến đường cũng được kỳ vọng tăng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hành lang kinh tế Đông – Tây, hệ thống đường xuyên Á qua cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia.